Bé sơ sinh “quá khổ” có nguy cơ bị rối loạn đường huyết, suy hô hấp,
đa hồng cầu..., cần được kiểm tra, theo dõi ngay sau lúc chào đời.
Vất vả với cái bầu to tướng nhưng chị N.T.N.X
(quận Thủ Đức - TPHCM) mừng thầm vì qua siêu âm, bác sĩ cho biết con chị
có phần to lớn hơn các em bé cùng tuổi thai. Cuối tháng thứ 8, bác sĩ ở
một phòng mạch gần nhà bất ngờ khuyên chị nên đến bệnh viện (BV) lớn để
theo dõi và có thể sẽ phải nhập viện sớm, vả lại đứa bé quá to nên lúc
sinh cả mẹ và con đều có thể cần được săn sóc đặc biệt.
Bán tín bán nghi vì tất cả kết quả khám thai trước
đó đều cho thấy cả bé và mẹ đều rất khỏe mạnh nhưng chị vẫn đến BV Từ Dũ
khám lại và sinh tại đây. Quả thật, đứa con trai nặng hơn 4 kg của chị
vừa ra đời đã phải chuyển ngay vào khoa sơ sinh để săn sóc đặc biệt vì
hô hấp của cháu khá yếu.

Trẻ sơ sinh ở nước ta thông thường cân nặng từ 2,5- 4 kg. (Ảnh minh họa)
Thường gặp ở thai phụ bị đái tháo đường
Thời gian gần đây, nhiều em bé “khổng lồ” từng được
dư luận chú ý như 2 bé nặng 5,2 kg và 5,3 kg sinh tại BV Hữu nghị Việt
Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) chào đời lần lượt vào tháng 7 và 8 vừa
qua; bé 6 kg chào đời tại BV Từ Dũ hồi tháng 2… Các trẻ này đều phải
được săn sóc đặc biệt. Tại BV Từ Dũ, hầu như lúc nào cũng có vài em bé
thuộc dạng “to con” được săn sóc đặc biệt tại khoa sơ sinh.
Theo PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Trưởng Khoa Sơ sinh BV
Từ Dũ, có nhiều nguyên nhân khiến bé sơ sinh có kích thước lớn hơn thông
thường như mẹ bị đái tháo đường, trẻ gặp phải một số hội chứng đặc biệt
nên “khổng lồ”, do di truyền từ gia đình - trường hợp này thường cha,
mẹ, anh, chị, em của bé cũng to con… Trong đó, đáng lo ngại nhất là
trường hợp mẹ bị đái tháo đường, căn bệnh ngày càng phổ biến ở người
lớn. Nhóm trẻ này dễ gặp phải nguy cơ rối loạn đường huyết, suy hô hấp,
đa hồng cầu, sang chấn trong cuộc sinh…
BS CKII Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng
hợp BV Từ Dũ, cho biết theo quy ước, những bé sơ sinh nặng dưới 2,5 kg
được coi là nhẹ cân, trên 4 kg là con to. “Cân nặng của trẻ sơ sinh còn
phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủng tộc, dân tộc, gia đình, sự tăng
trọng và chế độ dinh dưỡng của người mẹ trong thai kỳ, các bất thường
trong thai kỳ hay mẹ có bệnh lý…
Cũng có trường hợp 2 bé sinh đôi một quá to còn một
quá nhỏ do hội chứng truyền máu trong song thai. Nên hiểu rằng con to
chưa chắc đã khỏe, sự khỏe mạnh của đứa bé không phụ thuộc vào cân nặng
mà dựa vào các yếu tố như chỉ số hô hấp, sự hồng hào, nhịp tim, phản xạ
tay chân… Ở đứa bé “quá khổ”, đôi khi các cơ quan khi mới sinh còn non
nớt chưa đáp ứng nổi nhu cầu hoạt động của một cơ thể to lớn hơn bình
thường nên bé sẽ dễ yếu hơn trẻ thông thường khác” - BS Hải nhấn mạnh.
Cần được theo dõi
PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân cho biết tại BV Từ Dũ, khi
trẻ ra đời nặng từ 3,8 kg trở lên, các BS đều khuyến cáo gia đình chuyển
trẻ đến khoa sơ sinh để tầm soát đường huyết, chụp X-quang xem có bị
gãy xương đòn hay không, theo dõi tình trạng suy hô hấp, đa hồng cầu,
vàng da sơ sinh, tư vấn chế độ dinh dưỡng.
Lo ngại hàng đầu là tình trạng rối loạn đường huyết -
thường là hạ đường huyết, rất thường gặp ở các bé thuộc dạng con to.
“Có bé huyết áp tụt xuống đến mức đo không được, nếu không xử lý kịp
thời sẽ ảnh hưởng đến não. Hạ đường huyết kéo dài sẽ khiến trẻ co giật,
hôn mê, thậm chí tử vong. Để ngăn ngừa, trẻ sẽ được kiểm tra đường huyết
sớm, cho bú sữa sớm, nếu bú không được thì bắt buộc phải truyền dịch”
- BS Xuân cho biết.
Các trẻ này cũng dễ bị suy hô hấp do chậm hấp thu
dịch phổi, nhiều bé phải hỗ trợ hô hấp. Một số bé bị chứng đa hồng cầu
(lượng hồng cầu vượt quá 65%) khiến hồng cầu trong máu quá đặc, tốc độ
chảy chậm gây tắc nghẽn, dẫn đến thiếu máu não, thiếu ôxy não khiến
người trẻ tím tái, co giật. Riêng nguy cơ trẻ bị sang chấn sản khoa,
thường gặp nhất là gãy xương đòn, hầu như có thể phòng tránh được nếu
thai phụ khám thai đầy đủ để các BS tiên lượng được tình trạng con to và
chỉ định sinh mổ nếu cần thiết.
BS Xuân khuyến cáo: “Tình trạng con to có thể được
phát hiện khi khám thai. Khi đó, thai phụ nên sinh nở ở BV lớn, có đơn
vị sơ sinh và thông báo tình trạng đó cho BS theo dõi. Phụ nữ bị đái
tháo đường nên điều trị bệnh ổn định rồi hẳn mang thai và tuyệt đối
không được tự ý ngưng thuốc. Nếu ngưng thuốc đột ngột, đường huyết của
mẹ sẽ tăng và gây tình trạng cường insulin ở trẻ”.
Nguy cơ cho cả mẹ
Theo BS CKII Trần Ngọc Hải, bà mẹ mang thai con to
cũng dễ gặp phải các nguy cơ trong thai kỳ và trong cuộc sinh. “Khối
lượng em bé quá nặng làm bà mẹ mệt mỏi, tăng sức ép lên hoạt động của cơ
tim, dễ bị chảy máu trong thai kỳ. Đây cũng là ca sinh khó, khi thai
nhi quá lớn được sinh ra, độ siết của cơ tử cung không đủ chắc chắn do
bị dãn quá mức, dễ bị chảy máu gây băng huyết - một tai biến sản khoa
cực kỳ nguy hiểm, nếu không cầm máu được có khi phải cắt tử cung, thậm
chí đe dọa tính mạng. Do đó, thai phụ cần khám thai thường xuyên để nắm
bắt tình hình sức khỏe của mẹ lẫn con, chọn một BV có đầy đủ nhân lực và
phương tiện kỹ thuật hồi sức khi sinh nở”.
|
Theo NLĐ
1 tin nhắn:
Bài viết rất hữu ích rất tốt cho việc mình có gia đình sau này
10:37 16 tháng 9, 2013Đăng nhận xét